Loading...
|
Nghi lễ hát canh Quan họNgày 10 tháng 04 năm 2016
Hát canh Quan họ thực sự là một nghi lễ. Những người tham gia canh hát vừa phải có lưng vốn vài trăm bài, biết ca đủ lối đủ câu vừa tinh tường nghề chơi, hiểu sâu sắc mọi phong tục lẫn sự cầu kỳ trong phép tắc ứng xử, giao tiếp. Nói như một nghệ nhân Quan họ của làng Diềm, muốn chơi Quan họ phải cần có đủ 8 chữ là “vang-rền-nền-nảy” trong cách ca và “lời-ăn-nết-ở” cách làm người Quan họ...
Liền anh, liền chị hai làng kết chạ Diềm-Bịu trong một canh hát ở lễ hội đền Vua Bà đầu xuân Bính Thân 2016.
Hát canh chính là hình thức “Quan họ du ca tại gia” nghĩa là “hát chơi” Quan họ trong nhà chứa. Chữ “chơi” ở đây được hiểu là “nghề chơi”. Và chỉ với những người sành Quan họ mới thực sự hiểu và mê đắm lối hát chay, hát mộc tinh quý này. Ngày nay, những canh hát Quan họ không còn phổ biến như xưa bởi người hát Quan họ thì nhiều nhưng người biết chơi Quan họ quả thực vẫn còn đang hiếm lắm.
Theo các nghệ nhân Quan họ, để bước vào không gian của những canh hát mộc tại gia như thế đòi hỏi người tham gia phải có lưng vốn bài bản kha khá và một quá trình khổ luyện. Không chỉ là học hành kỹ lưỡng từ lời ca, điệu nhạc, cách luyến láy, đưa hơi, nảy giọng cho đến những lề lối ca hát mà quan trọng hơn là những phép tắc ứng xử, nói năng lịch sự, cư xử tao nhã, sang trọng.
Đây là một lời mời trầu của Quan họ chủ làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) với Quan họ khách làng kết chạ Hoài Thị (Liên Bão, Tiên Du) trước khi bước vào canh hát tại nhà chứa cho thấy sự cầu kỳ của nghề chơi lắm công phu này: “Dạ, nhất niên, nhất lệ, năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh xuống làng nước chúng em chơi. Được tin chim nhạn báo, chị em chúng em têm giầu từ đêm hôm qua, giấu thầy, giấu mẹ hôm nay chúng em đem ra mời người. Xin mời đương Quan họ người xơi khẩu giầu, rồi cùng chúng em ca canh hát cho mãn võ, tàn canh ạ”. Như vậy để thấy, tuy chỉ là việc mời nước mời trầu hàng ngày nhưng cách nói, cách mời của đương Quan họ luôn ý tứ, nhã nhặn và lịch sự.
Người tham gia canh hát Quan họ cũng không phải đỗ đạt thành danh mà hầu hết là nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng với Quan họ đó là thế giới, là không gian bình đẳng của những con người lịch lãm, trọng nghĩa trọng tình. Nghệ nhân Quan họ Ngô Thị Khu - chủ căn nhà chứa cổ duy nhất còn lại ở làng Diềm hiện nay kể rằng: Chơi Quan họ phải là những người có tình cảm chân thật, trong sáng, lịch thiệp, sống có thủy có chung trong cộng đồng, gia đình và giữa các bọn Quan họ. Đó không phải là tình yêu trai gái như trong lời hát mà bằng sự thủy chung trọn vẹn mọi đường ăn nhẽ ở. Không chỉ giữa các liền anh, liền chị với nhau mà còn là tình nghĩa với gia đình, người nhà nữa. Nếu bố mẹ ai đau yếu thì dù xa xôi đến mấy cũng phải đến thăm nom”.
Một canh hát đúng lề lối thường kéo dài từ 7-8 giờ tối cho đến 2-3 giờ sáng, trình tự được chia thành 3 chặng. Đầu tiên là hát giọng cổ hay giọng lề lối như La rằng, Đường bạn, Kim Lan, Tình tang, Cây gạo, Cái ả cái hời… Những giọng này thường mang âm điệu cổ kính, có nhiều tiếng đệm lót nên phải hát “lôi ra”, ca thật chậm rãi, nhả cho hết âm mới ra đúng chất “vang-rền-nền-nảy”.
Chặng giữa là hát những bài thuộc hệ thống giọng lẻ giọng vặt. Ở chặng này, người ca không phải tuân theo trình tự các giọng bắt buộc như chặng đầu nên càng ca càng say, càng về khuya thì giọng càng trầm bổng, thiết tha gắn bó, kể về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi cả nỗi lòng trăn trở về cuộc đời, số phận con người… khiến canh hát đẩy tới cao trào của tình cảm và sự thăng hoa cảm xúc. Trong chặng ca hát này, các anh Hai, chị Hai như tỉnh như say trong tình bạn, tình yêu, tình người.
Chặng cuối thường vào lúc 2-3 giờ sáng, Quan họ chủ thường mời Quan họ khách nghỉ xơi cơm, nhấp chén rượu và mời nhau bằng những lời ca ân nghĩa, thủy chung. Nhưng thường trong canh hát xưa, người Quan họ không bao giờ uống rượu. Ở chặng cuối, Quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, còn Quan họ chủ thì hát đối những lời ca giữ khách. Cả khách và chủ đều trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời nhau nên cả hai bên thường ca những câu xúc động như “Người ơi người ở đừng về”, “Tạm biệt từ đây”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Kẻ Bắc người Nam”, “Con nhện giăng mùng”… và dùng dằng hẹn đến hội sau với câu “Đến hẹn lại lên”.
Hát canh Quan họ thường là hát đối, cặp nam đối với cặp nữ và ngược lại. Vì là hát đôi nên hai người phải cùng một giọng, cùng một hơi, đồng điệu từ khởi cất lời ca cho đến những đoạn lên cùng lên, xuống cùng xuống, ngân cùng ngân, láy cùng láy, ngắt cùng ngắt, buông cùng buông, dứt câu cùng dứt khiến người nghe cảm thấy như chỉ có một giọng. Đó cũng là lý do vì sao khi hát đôi, hai người phải đối diện để ca.
Trong canh hát, các anh hai, chị hai ngoài việc thuộc bài để ứng đối còn phải có tài nói năng, giao tiếp sao cho lịch thiệp, tao nhã, tế nhị. Khi nói phải “năm thưa mười gửi”. Đầu câu nói phải có tiếng “dạ”, hết câu phải có tiếng “ạ”. Cách xưng hô phải thực sự quý trọng bạn, luôn khiêm nhường, dù nhiều tuổi hơn, trình độ vốn liếng dày dặn hơn nhưng vẫn phải xưng em hoặc chúng em và gọi bạn là anh, chị.
Chẳng hạn, khi bắt đầu canh hát, thường Quan họ nam nhường Quan họ nữ ca trước, nhưng trước khi bắt đầu ca, các liền chị có câu thưa gửi mộc mạc, vừa nhũn nhặn vừa đáo để thế này: “Thưa anh Hai, anh Ba, anh Tư… chúng em xấu ăn vụng nói, vụng gói vụng mở, xin các anh cho phép chị em chúng em được ca trước đấy ạ…”. Hoặc khi đôi liền anh ra câu khó quá, không đối được thì đôi liền chị thưa rằng “Dạ, anh Hai, anh Ba dắt chúng em vào rừng, chị em chúng em không biết được lối ra đâu ạ”. Thế mới biết, trong canh hát ngoài việc thành thạo các bài ra bài đối thì quan trọng hơn là phải biết lề lối ứng xử, phép tắc, có trước có sau. Vì thế, muốn tham gia vào canh hát, các cụ ngày xưa phải đi theo học đòi anh Hai, chị Hai trong nhiều năm liền và rèn luyện tỉ mỉ từng lời ăn tiếng nói “nói nửa lời, cười nửa miệng”.
Cho đến bây giờ, những canh Quan họ truyền thống đã không còn xuất hiện nhiều như xưa. Thế nhưng cứ dịp đầu xuân, trong các tiết lệ hội làng, đình đám, những anh Hai, chị Hai ở Diềm, ở Bịu hay một số làng Quan họ vùng Lim còn nặng lòng với nghề chơi vẫn cố công duy trì một vài canh hát mộc theo lề lối như một cách bày tỏ tấm chân tình với những vị khách “sành Quan họ” phương xa và quan trọng hơn là để bảo tồn, gìn giữ “chất vàng ròng” quý hiếm của Di sản văn hóa Quan họ.
Theo V.Thanh/BacNinh.online
|